Ai nuôi mèo cũng thường có cùng một nỗi lo: “Nếu tôi cho mèo đi lại tự do bên ngoài, làm sao đảm bảo được liệu chúng có quay trở về nhà hay không?” Đó là rắc rối khi cùng chung sống với những vật nuôi có bản năng bảo vệ lãnh thổ: môi trường xung quanh luôn là mối bận tâm hàng đầu với chúng. Con người chúng ta lại quan tâm hơn đến gia đình, bè bạn, nên đôi khi chúng ta không thể hiểu được hành vi và thói quen của chú mèo cưng.
Đối với loài mèo, lãnh thổ mang ý nghĩa sống còn. Đó là nơi chúng lớn lên, sinh trưởng tại đấy, vì thế chúng sẽ ra sức bảo vệ lãnh địa của mình. Mặc cho rất nhiều điều kiện sinh sống tốt có sẵn ở nhà như được chủ nuôi yêu thương, nguồn thức ăn dồi dào phong phú… bản năng về lãnh thổ vẫn tồn tại và thống lĩnh. Lãnh thổ một con mèo rộng ra sao, thời lượng đi tuần bên ngoài thế nào tuỳ thuộc vào mật độ mèo trong khu vực lân cận.
Còn rất nhiều điều kiện nữa ảnh hưởng đến việc mèo nhà bạn có thường ra ngoài hay không, đi được bao xa: gene, tính nết, những con mèo khác cùng sống trong nhà, chó hàng xóm, v.v… Người ta đã kiểm chứng độ thích nghi ở mèo và đưa ra kết luận: kể cả khi xung quanh có nhiều mèo lạ, hầu hết mèo vẫn sẽ trở về sau những chuyến lang thang bên ngoài.
Rất khó để giữ mèo ở yên trong nhà, trừ khi bạn nhốt chúng vào lồng. Biện pháp này không được khuyến khích vì dễ khiến chúng trở nên trầm cảm, sinh bệnh. Hãy giữ mèo ở trong nhà khi đêm xuống, và cho phép chúng đi đâu tuỳ thích vào ban ngày, nếu có điều kiện. Đây là cách an toàn, tiện lợi nhất cho cả chủ lẫn mèo.
Mèo có hay đi lang thang không tuỳ vào tính cách mỗi con mỗi khác, theo Blog Chăm Sóc Thú Cưng của Pet Việt cho rằng có bốn nhóm mèo như sau:
Mục Lục
4 Kiểu Mèo Phổ Biến Nhất
Kiểu Mèo Thích Săn, Bắt, Rượt Đuổi
Đối với nhóm này săn bắt là sở thích hàng đầu. Bản năng nguyên thuỷ của chúng khiến chúng thích đi tuần, rượt đuổi hoặc săn mồi, mặc dù luôn có những bữa ăn no đủ chờ sẵn ở nhà. Các chú mèo này đặc biệt hiếu động vào mùa xuân, khi côn trùng, chuột bọ sinh sôi nảy nở, gia tăng số lượng đáng kể. Quả là môi trường lí tưởng cho mèo yêu tha hồ chạy chơi, rượt đuổi con mồi.
Kiểu Mèo Ưa Nằm Nhà
Đây là loại mèo rất thích hợp cho chủ nuôi nào đã phát chán lên với việc phải trông cậy vào thiết bị GPS để truy tìm tung tích vật cưng. Kiểu mèo này rất dễ chịu, thích bám theo bạn khi bạn đang làm vườn hơn là tự mình lang thang bên ngoài. Lãnh thổ của chúng chính là phòng ốc trong nhà hoặc mảnh sân trong để nằm sưởi ấm vào mùa hè.
Kiểu Mèo “Tự Chọn Nơi Sinh Sống”
Những chú mèo này rất tự do tự tại, luôn có những đòi hỏi, qui luật nhất định cho gia đình mình và môi trường sống xung quanh. Nếu có thêm mèo lạ ở cùng, hoặc chủ nuôi thêm chó, có thể mèo sẽ quyết định rời đi để tìm “nơi tốt hơn” đáp ứng được yêu cầu của chúng.
Kiểu Mèo “Năm-Bữa-Một-Ngày”
Một vài con mèo thích tìm kiếm “cơ hội” được cho ăn, xuất phát từ ý muốn phải đi tìm những nguồn thức ăn khác ngoài bữa chính ở nhà. Chúng ăn hết khẩu phần riêng, chào tạm biệt chủ và giành hầu hết thời gian trong ngày ghé qua nhà này nhà kia, chén sạch sẽ thức ăn thừa của mèo hàng xóm, cuối ngày lại về nhà dùng bữa xế. Thỉnh thoảng chúng xuất hiện thường xuyên đến mức vài người dân trong cùng khu vực cứ tưởng đấy là mèo nhà mình.
Làm Thế Nào Để Mèo Không Bỏ Nhà Đi ?
Nếu lo lắng chuyện mèo bỏ nhà ra đi, bạn có thể thử những cách sau để đảm bảo chúng vẫn ở gần mình:
-
Giữ mèo con trong nhà cho đến khi chúng được tiêm ngừa và triệt sản hoàn toàn (bốn tháng tuổi).
-
Cấy microchip(1) cho những chú mèo phòng khi chúng đi lạc, hoặc đặt vào vòng cổ chúng số điện thoại liên hệ, nhưng đừng trông đợi quá vì vòng cổ dễ bị vướng vào cành cây, lạc mất.
-
Hãy nuôi những con mèo có vẻ chung sống hoà thuận, lí tưởng nhất là anh chị em trong cùng một bầy để tránh trường hợp chúng bỏ nhà đi vì ghét nhau.
-
Tự đặt ra một vài luật lệ, tập cho mèo thói quen ở nhà vào buổi đêm.
-
Chú ý đến hàng xóm xung quanh, họ có nuôi nhiều mèo không? Nếu có, hãy rào chắn cẩn thận vườn nhà để đảm bảo mèo nhà không thể chui ra được và mèo lạ không thể chui vào được.
-
Đặt khay cát trong nhà để mèo có chỗ đi vệ sinh an toàn khi bên ngoài có nhiều mối đe doạ.
-
Cho mèo có khoảng không gian riêng để nó được tự do thiết lập mối quan hệ với người thân trong gia đình, không bị áp lực bắt buộc phải giao tiếp với ai.
-
Chơi đùa với mèo mỗi ngày để thoả mãn nhu cầu bản năng của thú săn mồi.
-
Cài đặt cửa ra vào tự động cho mèo(2) và khuyến khích hàng xóm làm theo để mèo không ghé sang nhà khác ăn vụng.
Mèo Trở Về Với Nơi Ở Cũ
Thỉnh thoảng nếu chủ nuôi vừa hoàn thành công cuộc chuyển nhà đến một nơi gần vị trí đi săn cũ của mèo, chúng sẽ xác định ngay “sứ mệnh” của mình: cố gắng trở về nhà cũ; Cho dù có phải trải qua cả một chặng hành trình dọc những con lộ đông đúc, những đường ray hay thậm chí là các con sông.
Khi bạn vừa dọn đến nhà mới và phát hiện ra mèo cưng mất tích, hãy nhớ lại xem chúng từng có thói quen đi săn bên ngoài không? Kiểm tra tất cả các bụi rậm và ga-ra gần đấy, nếu vẫn không tìm ra mèo, bạn nên quay về khu vực nhà cũ tìm kiếm lần nữa.
Bạn đã chuyển nhà hoặc đang có ý định chuyển nhà? Nên cân nhắc đến những điều sau:
-
Đảm bảo rằng mèo cưng đã được cấy microchip và địa chỉ mới được cập nhật trong thời gian sớm nhất.
-
Giữ mèo trong nhà mới một vài tuần, cho chúng ăn những bữa ăn nho nhỏ ngon lành ba đến bốn lần một ngày.
-
Cho phép mèo ra ngoài ngay trước bữa ăn.
-
Nếu mèo mất tích, hãy nhờ những hàng xóm ở nhà cũ để mắt xem chúng có quay về không.
-
Thông báo cho chủ nhà hiện tại rằng rất có thể mèo của bạn đang trên đường trở về nhà.
-
Hãy dặn mọi người đừng cho mèo ăn mà hãy thông báo với bạn ngay khi tìm thấy nó.
-
Nếu mèo ngoan ngoãn, hãy nhờ hàng xóm bắt mèo về và giữ chúng ở một nơi an toàn cho đến khi bạn đến đón.
-
Đem mèo về nhà, cho chúng nhiều món ăn ngon, mua đủ các loại đồ chơi mô phỏng “con mồi” để mèo rượt bắt, chơi đùa.
Có một ngạn ngữ nói như thế này: “mèo chọn chủ, không phải chủ chọn mèo”, và suy cho cùng chúng ta vẫn phải chọn cách tin tưởng ở chú mèo cưng, cho phép chúng ra ngoài tự do đi đến những nơi chúng muốn. May mắn thay, phần đông sau khi ra ngoài vẫn sẽ trở về nhà rất thường xuyên, đều đặn.
Chú thích:
(1): Microchip là một vi mạch siêu nhỏ được cấy dưới da chó hoặc mèo để nhận dạng từng con thông qua mã số riêng. Việc cấy ghép không gây đau đớn cho vật cưng. Hiện nay ở Việt Nam đã có công nghệ này nhưng chưa phổ biến trên thị trường.